Giấc mơ Mỹ đối với người Việt không phải là một chủ đề mới mẻ. Tính đến nay, có hàng triệu người Việt đã rời bỏ quê hương để đến với nước Mỹ với mong muốn tìm kiếm được một cuộc sống tốt hơn, tự do hơn. Theo thống kê, người Việt là nhóm dân tộc đứng thứ 5 trong số các nhóm dân tộc thiểu số ở Mỹ, chỉ sau Mexico, Trung Quốc, Ấn Độ và Philippines.
Đứa con cầu tự được bảo bọc và khát vọng giấc mơ Mỹ
Người ta hay nói "con cầu tự khó nuôi". Và đúng như vậy, từ nhỏ mình đã bị hen suyễn, nên ba mẹ luôn bảo bọc mình rất kỹ càng.
Cả tuổi thơ, điều “mạo hiểm” nhất mình từng làm là lén đi mua bánh tráng trộn ở đầu xóm. Còn phần lớn thời gian, mình chỉ quanh quẩn trong nhà đọc sách, học thuộc tên các thành phố trên quả địa cầu. Mình thử đố bạn nha, Pretoria, Cape Town và Bloemfontein là ở đâu? (Câu trả lời mình để ở cuối bài) .
Mỗi lần đắm chìm trong những trang sách là trong đầu mình tự động có những thước phim, vẽ lại những con chữ theo cách sinh động hơn. “Mình sẽ trở thành nhà văn, một Nguyễn Nhật Ánh phiên bản nhí để kể chuyện!” – Khi ấy, mình nghĩ vậy.
Rồi đến khi mình bước vào tuổi thiếu niên, Disney Channel xuất hiện, vẽ nên hình ảnh nước Mỹ đầy sắc màu trong mắt mình với bộ phim High School Musical. Hình như ai ở đó cũng sống thật bay bổng, phóng khoáng. Và mình cũng ấp ủ quyết tâm được đặt chân đến đó để có một cuộc sống đầy tự do như vậy.
Dần dần khi mình học cao lên và có một nhóm bạn chơi chung cùng sở thích, mình nhận ra mình không chỉ muốn kể chuyện bằng chữ. Hình ảnh cùng với âm thanh là những yếu tố đầy sức hút đối với mình, và làm phim sẽ là nơi giao thoa tuyệt vời của tất cả những điều đó.
Lúc đó, mình đã chắc nịch: ước mơ của mình = đi Mỹ + làm phim.
Nó hiện lên đầy sống động trong tâm tưởng, mình là một nhà làm phim ở New York. Ban ngày tới quán cà phê viết kịch bản, ban đêm đi bar tìm cảm hứng. Sống trong một căn studio nho nhỏ nhưng bước ra ngoài là hòa vào guồng quay tấp nập của thành phố, đi gặp người này người kia, bàn luận sôi nổi về tiến độ kịch bản, quay phim.
Ngày giành được học bổng của một trường đại học ở Ohio, lòng mình khấp khởi hy vọng sắp chạm tay tới giấc mơ. Nhưng vài tháng trước khi mình chuẩn bị bay, gia đình mình gặp biến động về tài chính nên mình không thể qua Mỹ nhập học. Dù vậy, mình không từ bỏ giấc mơ. Một năm sau, mình chuẩn bị lại tất cả từ đầu và được nhận vào Đại học Rochester (University of Rochester) ở phía bắc tiểu bang New York.
Nhưng khi đặt chân tới Mỹ, thực tế không hề giống với những gì mình đã hằng mơ. Cảm giác nhớ nhà lập tức ập tới. Nước Mỹ hay ít nhất là thành phố mình ở lạnh lẽo hơn mình tưởng. Kết bạn ở đây khó vô cùng. Có những bạn hôm trước rất thân thiện, hôm sau mình vẫy tay chào thì họ lại phớt lờ. Chủ nghĩa cá nhân nơi này hoàn toàn khác với môi trường cộng đồng mà mình lớn lên.
Mình dần dần rơi vào trạng thái ăn uống không kiểm soát, tăng 30 kg trong hai năm. Tóc mình chuyển bạc. Có lần mình nằm lì trên giường ba ngày liền, không ăn uống, không tắm rửa, bạn cùng nhà phải phá cửa lao vào coi mình ổn không.
Mình biết có gì đó không ổn. Nhưng trong nhiều năm liền, đích đến của mình chỉ có một, là theo đuổi giấc mơ Mỹ. Nếu từ bỏ để trở về nhà, đồng nghĩa với việc quay trở lại vạch xuất phát, mình cảm thấy mất phương hướng. Giờ mình sẽ đi đâu?
Nhưng cứ nghĩ mãi cũng không ra, cộng thêm tình hình COVID ngày càng căng thẳng, việc học tập cũng bị ảnh hưởng đã dẫn mình tới quyết định về nước. Kỳ lạ là chỉ vài tuần bên gia đình và bạn bè đã giúp mình nhẹ nhõm hơn nhiều. Khi ấy, mình mới nhận ra những dấu hiệu báo động trước đó chính là trầm cảm.
Mình không còn thấy phù hợp với môi trường cũ ở Mỹ . Thứ mình cần là những niềm vui giản dị, đi lê la cà phê tám chuyện, gặp gỡ vài người bạn thân và có cảm giác mình được thuộc về chứ không còn bơ vơ, lạc lõng ngày qua ngày nữa.
Một thời gian sau, mình tham gia vào đoàn làm phim tài liệu, ghi lại kết quả một dự án của Google tại Việt Nam. Mình đi tới những vùng khó khăn ở Mai Châu, Hòa Bình, gặp gỡ các em nhỏ dân tộc thiểu số, và chứng kiến việc học lập trình đã thay đổi cuộc sống của các em thế nào.
Mình cảm nhận được mình đang làm một việc có ý nghĩa. Mỗi thước phim ghi lại không chỉ thỏa mãn niềm yêu thích kể chuyện của mình mà còn giúp mình thấy rõ giá trị mình đang góp sức tạo nên.
Đó cũng là lúc mình quyết định từ bỏ tấm bằng đại học ở Mỹ và chọn theo học điện ảnh tại Việt Nam. Tổng cộng mình đã mất đến bảy năm để hoàn thành chương trình đại học. Nghe có vẻ lòng vòng tốn thời gian nhưng quá trình đó giúp mình nhận ra một điều quan trọng: giấc mơ của mình không phải nước Mỹ.
Thứ mình thật sự tìm kiếm là sự tự do – tự do sống, tự do theo đuổi những câu chuyện, tái hiện cái đẹp và ý nghĩa của cuộc sống qua ống kính. Con đường này không dễ dàng. Và mình cũng chưa dám khẳng định là đang “sống với ước mơ” của mình ngay lúc này.
Gánh nặng cơm áo gạo tiền vẫn còn đó, công việc văn phòng cũng có những ràng buộc nhất định nhưng mình biết mình đang đi đúng hướng. Không cần háo thắng xông lên như trước, ào ào đi tới, cứ chậm mà chắc thôi.* Câu trả lời cho câu hỏi phía trên: Cả ba đều là thủ đô của Nam Phi.
Chấp bút từ lời kể của Khôi Huỳnh.
Nhiều người Việt nghĩ rằng “giấc mơ Mỹ” là việc được đặt chân đến xứ sở cờ hoa, sinh sống và làm việc tại đây. Thực chất, giấc mơ Mỹ không chỉ dừng lại ở đó mà nó còn mang nhiều ý nghĩa sâu xa hơn. Theo chân First Consulting Group tìm hiểu về giấc mơ Mỹ là gì và những sự thật thú vị về nó.
Giấc mơ Mỹ (American Dream) là tập hợp những lý tưởng về một cuộc sống dân chủ, quyền lợi, tự do, cơ hội và bình đẳng. Trong đó, tự do bao gồm cơ hội thịnh vượng và thành công, giấc mơ về một xã hội công bằng, đi lên cho cả đàn ông và phụ nữ nhờ làm việc chăm chỉ.
Thuật ngữ “giấc mơ Mỹ” được nhắc đến lần đầu năm 1931. Theo James Truslow Adams định nghĩa trong Epic of American (Thiên hùng ca Mỹ), “giấc mơ Mỹ là giấc mơ về một vùng đất tràn đầy hứa hẹn, nơi đó tất cả mọi người sẽ có cuộc sống tốt hơn, giàu có hơn, đầy đủ hơn với cơ hội dành cho mỗi người phụ thuộc vào khả năng và thành tích của bản thân.”
Có thể thấy, giấc mơ Mỹ không chỉ dừng lại ở việc có nhà, ô tô và một công việc lương cao, mà nó còn mang nhiều ý tưởng sâu xa hơn. Giấc mơ Mỹ được bắt đầu từ Tuyên ngôn độc lập. Trong đó có nói rằng “tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng với quyền sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc”.
Bởi thế, nước Mỹ phát triển như một quốc gia của người nhập cư với đa sắc tộc và nền văn hóa phong phú. Họ tạo ra một quốc gia nơi để trở thành một người Mỹ và truyền quyền công dân cho con cái của họ.
3 yếu tố đưa giấc mơ Mỹ trở thành sự thật
Người ta thường nhắc về giấc mơ Mỹ với nhiều ý nghĩa khác nhau qua từng thời kỳ. Nhưng nhìn chung, giấc mơ Mỹ như một sự thúc đẩy cho thịnh vượng, hòa bình và cơ hội cho người dân ở nước này. Có 3 yếu tố góp phần đưa giấc mơ Mỹ đi vào thực tế: